Tài liệu
Quy luật vô thường!
Vô thường là gì? Ý nghĩa và cách thực hành vô thường
Vô thường được xem là thuật ngữ gắn liền với mọi hiện tượng, sự vật của con người, bao hàm thân, tâm và cảnh. Vậy ý nghĩa thật sự của vô thường là gì? Làm thế nào để thực hành vô thường? Cùng Vật phẩm Phật giáo tìm hiểu chi tiết trong nội dung sau đây.
Vô thường là gì? Ý nghĩa và cách thực hành vô thường
- Vô thường là gì?
Vô thường là khái niệm dùng để chỉ vạn sự đều có thể thay đổi trong những thời điểm nối tiếp nhau. Các sự vật sự việc thay đổi mỗi phút mỗi giây, chính vì thế bạn không thể nắm bắt được ý nghĩa giống và khác nhau của nó theo cách chính xác.
Nhà triết học Heraclitus từng có câu bạn không thể tắm hai lần trong một dòng sông. Câu nói này hoàn toàn đúng, bởi vì thời điểm tắm trên sông của bạn khác nhau, do đó không thể khẳng định nước của hôm qua và hôm nay như nhau được.
Nếu có giác ngộ về vô thường, bạn sẽ thoát ra khỏi những ý niệm giống hay khác nhau, ở hay đi. Giống như việc bạn nhìn thấy ngọn nến hôm nay không phải là ngọn nến đang cháy hôm qua. Chúng không phải là hai ngọn lửa khác nhau, mà cũng không phải là cùng một ngọn lửa.
Vô thường có nghĩa là vạn vật trong tự nhiên đều luôn luôn thay đổi một cách bất ngờ
- Ý nghĩa của vô thường
Cuộc sống của con người vốn là một giấc mộng, thoáng vụt qua rồi lại biến mất vào hư vô. Sinh mạng con người cũng thế, tất cả muôn vật đều trải qua một quy luật chung của vũ trụ, mọi thứ sinh ra không thể đứng yên hoặc trường tồn mãi mãi.
Tuy nhiên những người không hiểu rõ vô thường, sẽ mãi chìm đắm trong lạc thú, họ cho rằng cuộc sống luôn vĩnh hằng, luôn an vui, luôn tươi sáng. Rồi đến một lúc nào đó, con người cũng phải đối diện với thực tế rằng sắc thân này cũng trở về cát bụi.
Theo Đức Phật, vô thường được lấy từ hai chữ, “vô” là không, “thường” là còn. Suy ra vô thường tức là không còn, không ở yên một nơi. Dù vạn vật có to lớn hay nhỏ bé, cũng phải trải qua sự tan rã và chuyển hóa của thời gian.
2.1. Thân vô thường
Theo Kinh Pháp cú Đức Phật:
“Thân này có gì quý
Đồ dơ luôn chảy hoài
Bị bệnh tật phủ vây
Phải chịu họa già chết”
Thân xác của bạn ngày hôm nay hoàn toàn khác với ngày hôm nay. Đây chính là biểu hiện của sự già nua, của bệnh tật. Dĩ nhiên chẳng ai có thể trẻ mãi không già, sống hoài không chết.
Mỗi một con người khi sinh ra sẽ sở hữu một sắc thân tạm bợ. Sắc thân này chính là sản phẩm của cha mẹ tạo thành, cho nên nghiệp lực kết buộc mà thọ thân này.
Vô thường là khi về già bệnh, cơ thể yếu đi, khi sáng còn tối mất trong chốc lát. Chỉ một giây, con người đã có thể thay đổi sắc thân nhanh chóng. Thời gian trôi qua, chúng ta càng thêm tuổi, lại già đi một ít, đây cũng là lúc cái chết sắp cận kề. Nhận thức được cái vô thường này, con người không còn cung phụng cái thân giả huyễn hiện hữu. Qua đó có một góc nhìn đúng đắn về vô thường.
Thân xác chúng ta vốn chỉ là nơi chốn tạm thời để trú ẩn, không ai có thể sống trọn đời trọn kiếp
2.2. Tâm vô thường
Tương tự như thân, tâm chúng ta cũng được xem là vô thường. Nó có thể biến chuyển một cách nhanh chóng, mau lẹ và vô cùng tinh vi. Đức Phật có câu “Tâm viên ý mã”, dịch ra nghĩa là con người cũng giống như loài vượn chuyền cành, như ngựa rong chơi. Lúc cảm giác này, khi lại cảm thấy khác. Mọi cảm xúc trong tâm đều thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, chẳng hạn như vui, buồn, tức giận, căng thẳng…
Một ý nghĩ này sinh ra có thể thay thế cho ý nghĩ khác, chuyển biến một cách liên tục khiến chúng ta mất kiểm soát và quên đi những ý niệm trong tâm. Một ví dụ đơn giản, mới sáng nay bạn cảm thấy hứng khởi phấn chấn làm việc, thế nhưng về chiều, lại buông bỏ, thiếu quyết tâm. Như vậy có thể nhận thấy rằng, tâm ý con người thay đổi không ngừng.
Tâm con người có thể thay đổi khôn lường và khó kiểm soát nếu chưa thật sự hiểu ý nghĩa của tâm vô thường
Sự khen, chê, yêu, ghét, buồn, vui,… trong cuộc sống là những thứ hoàn toàn không thật có. Nhìn thấy một sắc đẹp hay ngửi được hương thơm man mát có thể làm tâm ta sanh yêu thích, thương nhớ.
Chỉ một chút trái ý, cũng khiến tâm sinh sầu não, sân si. Trải qua những cảm xúc đó mới biết tâm con người luôn bị các cảnh trần chi phối. Nếu đã nhận thức được bản chất của tâm vô thường, chúng ta sẽ không còn bị tác động bởi các ý niệm buồn vui. Thay vào đó là một cuộc đời an yên, hạnh phúc.
2.3. Hoàn cảnh vô thường
Vạn vật trong vũ trụ đều tự sinh tự diệt theo quy luật tự nhiên. Chúng ra sinh ra để tồn tại, lão hóa và biến mất. Đức Phật dạy rằng, cuộc đời vô thường, luôn thay đổi và vận động theo quy luật vũ trụ. Thế nên những gì bạn có được chưa chắc đã vĩnh cửu, mà nó có thể biến đổi chỉ trong phút chốc.
Theo Đức Phật, ở đời có bốn việc không thể tồn tại lâu dài, đó là:
- Trường tồn phải hoại diệt
- Giàu sang phải nghèo hèn
- Hòa hợp phải tan hoại
- Khỏe mạnh rồi phải chết
Đời người cũng thế, có không ít người đang nắm giữ quyền cao chức trọng, có thói hống hách nghênh ngang. Ấy vậy mà do một phút bốc đồng, không làm chủ được lòng tham, phạm phải điều cấm kỵ và rơi vào cảnh ngục tù lao lý. Tất nhiên cũng có những người đang tận hưởng sự giàu sang, dinh thự nguy nga, kẻ hầu người hạ… nhưng mà chỉ một phút sa cơ thất thế, sự nghiệp cũng tan theo mây khói.
Ranh giới giữa có và không, được và mất thật sự rất mong manh
- Vô thường giúp cho vạn sự đều có cơ hội
Có thể chúng ta sẽ cảm thấy buồn bã, bất an và đau khổ khi sự vật sự việc luôn luôn thay đổi. Thế nhưng chính sự thay đổi này đã khiến vô thường trở nên tích cực hơn. Thông qua vô thường, chúng ta mới có cơ hội tạo ra những kỳ tích bất ngờ.
Vậy nên thay vì oán trách về cuộc sống vô thường, chúng ta nên hân hoan nó, hãy tận hưởng phép lạ của vô thường, rồi nỗi đau buồn sẽ qua đi, nhường chỗ cho ánh sáng.
Nhờ có vô thường, vạn sự mới có cơ hội thay đổi theo hướng tích cực
- Thực hành vô thường
Tất cả mọi người đều có thể thấu hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng sẽ khó để đưa ta tới sự giải thoát. Chỉ khi bạn có đủ vững chãi và định lực, bạn mới có thể thực tập nhìn sâu. Càng nhìn sâu vào bản chất của vô thường, bạn càng có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa. Từ đó ý nghĩa của vô thường sẽ trở thành một phần của con người chúng ta.
Thực hành vô thường mọi lúc mọi nơi
Bản thân ta phải duy trì sự giác ngộ về vô thường và luyện tập nó mỗi ngày, có nghĩa là bạn nên sống với vô thường trong mọi lúc. Nuôi dưỡng được tri giác về vô thường giúp chúng ta thiền quán và tu tập dễ dàng.
Một ví dụ dễ hiểu về cách luyện tập vô thường đó là bạn hãy nghĩ đến con cái của mình, khi đến tuổi, chúng sẽ có vợ có chồng và không thể ở bên cạnh ta mãi được. Vậy nên hãy yêu thương và trân quý những giờ phút con bạn hiện diện ở nhà với chúng ta.
Tóm lại, nắm rõ bản chất của vô thường, bạn sẽ bình thản trước những sóng gió, những biến chuyển đổi thay của cuộc đời, không còn đam mê những thú vui tạm bợ, hay đau khổ trước cảnh tử biệt sinh ly. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ bắt đầu tu tập vô thường, chuyển hóa tự thân, chuyển mê thành ngộ và hướng tới đời sống tâm linh cao thượng.
Nam Mô A Di Đà Phật!